TIN NỔI BẬT
Đồng thuận phạt nặng vi phạm giao thông

Chở quá tải là cố tình phá hoại tài sản quốc gia

Theo kiến nghị của Ủy ban ATGT Quốc gia, để kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm ATGT, đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, ngăn ngừa nguy cơ TNGT, Ủy ban kiến nghị Chính phủ xem xét đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 2/2015, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171 nhằm tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm.

Cụ thể, từ ngày 15/3/2015, các bộ, ngành, địa phương thí điểm xử phạt các chủ xe, lái xe cố tình bỏ phương tiện, không hợp tác với lực lượng thực thi công vụ trong kiểm soát tải trọng phương tiện. Đối với các trường hợp này, lực lượng TTKS sẽ khóa bánh phương tiện tại chỗ hoặc cẩu, kéo đến nơi tập kết. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện chịu hoàn toàn chi phí phát sinh để khóa bánh hoặc cẩu, kéo phương tiện và trông giữ phương tiện cũng như tài sản trên xe.

"Tăng nặng mức phạt đối với hành vi uống rượu bia say, thậm chí tước GPLX vĩnh viễn đối với những “ma men” vi phạm nghiêm trọng, phạt tiền ngang với giá trị phương tiện để đủ sức răn đe là rất cần thiết”.

Anh Nguyễn Duy Hòa



Lái xe trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Người điều khiển phương tiện chở vượt tải trọng trên 150% sẽ bị phạt 25 triệu đồng, tước GPLX 12 tháng. Phải thi lại Luật Giao thông đường bộ (Luật GTĐB) trước khi cấp lại GPLX. Phạt chủ phương tiện là cá nhân 40 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp tiền phạt. Phạt chủ phương tiện là tổ chức 80 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, cần xử phạt thật nghiêm khắc các trường hợp chở quá tải, mới đủ sức răn đe, chấm dứt tình trạng chở quá tải nghiêm trọng. Thậm chí, nếu xe tải chở gấp đôi tải trọng cho phép có thể xử lý hình sự.

“Các đơn vị hội viên của Hiệp hội chúng tôi rất đồng tình xử lý thật nghiêm, tăng nặng mức phạt các hành vi này. Nếu không có giải pháp mạnh và quyết liệt chắc chắn sẽ không thể xóa được xe quá tải. Phải làm sao cho lái xe và cả doanh nghiệp sợ không dám chở quá tải nữa. Bên cạnh đó xử lý cả lực lượng TTKS có hành vi bao che, bảo kê nhận tiền “cò” để dung túng phương tiện quá tải”, ông Thanh nói.

72

Chở gấp đôi tải trọng cho phép có thể coi là tội cố tình phá hoại tài sản quốc gia - Ảnh: Văn Thanh

Uống rượu bia say lái xe có thể bị quy tội giết người

Với các trường hợp lái ô tô vi phạm quy định nồng độ cồn, Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị sẽ phạt theo các mức tăng nặng. Trong đó có mức phạt tước quyền sử dụng GPLX 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật GTĐB trước khi thi lấy lại GPLX. Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện vi phạm quy định nồng độ cồn cũng sẽ bị xử phạt nghiêm. Các hình thức phạt bằng tiền, tước GPLX có thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng, phải học lại Luật Giao thông trước khi thi lại GPLX, thậm chí có thể bị tịch thu phương tiện.

“Hàng ngày đi làm, chứng kiến tình trạng mô tô, xe gắn máy ngang nhiên đi vào Đại lộ Thăng Long, tôi thấy rợn người. TNGT có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, khi đó hậu quả sẽ khôn lường. Dù nhiều người đều biết đường cấm xe thô sơ nhưng vẫn cố tình vi phạm. Theo tôi nên tịch thu phương tiện để răn đe người khác”.

Chị Nguyễn Thị Thu



ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Luật sư Nguyễn Quý Long, Giám đốc Công ty Luật Thiên Hồng Đức (Hà Nội) cho biết, so với nhiều nước trên thế giới, việc xử lý hành vi có thể gây nguy hiểm tính mạng cho người khác này vẫn còn nhẹ. Vì thế, việc đề nghị tăng mức phạt là cần thiết để chấn chỉnh trật tự ATGT, răn đe các đối tượng cố tình vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, uống rượu bia say lái xe có thể quy vào tội giết người. “Vì đã uống rượu say vẫn cố tình lái xe dễ dẫn đến gây ra TNGT chết người, cần xử lý hình sự. Phải làm mạnh và quyết liệt, không thể để nhu nhơ như hiện nay. Nhiều đối tượng còn chống cả người thi hành công vụ là không chấp nhận được. Luật pháp thật nghiêm minh mới ủng hộ được cho những người làm ăn chân chính, chấp hành tốt”, ông Thanh kiến nghị.

Không có quốc gia nào để xe thô sơ ngang nhiên đi vào cao tốc

Ngoài việc tăng nặng mức phạt đối với xe quá tải và uống rượu bia say điều khiển phương tiện, Ủy ban ATGT Quốc gia còn đề nghị với những trường hợp điều khiển mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện, các loại xe tương tự và xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc sẽ bị tịch thu phương tiện.

Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), thời gian qua, tình trạng người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc khá phổ biến. Cả 3 tuyến cao tốc lớn là Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai mà VEC đang khai thác đều xảy ra tình trạng này. Đặc biệt, trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai dù cấm nhưng khá phổ biến xe máy ngang nhiên đi xen kẽ với ô tô.

“Dù chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương vận động người dân, nhưng tình trạng xe máy vô tư đi vào đường cao tốc không giảm”, ông Tuấn Anh ngao ngán.

Không chỉ các tuyến cao tốc do VEC quản lý, hàng loạt các tuyến cao tốc khác như: TP HCM - Trung Lương, đại lộ Thăng Long,… cũng xảy ra tình trạng trên. Dù có biển cấm, nhưng hàng ngày mô tô, xe gắn máy và nhiều xe thô sơ khác vẫn cố tình vi phạm.

Về đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tịch thu mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc, ông Tuấn Anh cho rằng, cần làm để răn đe và ngăn chặn TNGT trên đường cao tốc. “Không có quốc gia nào trên thế giới để xảy ra tình trạng tương tự như Việt Nam. Nhiều nước vi phạm ATGT nghiêm trọng còn có thể bỏ tù. Cần phải có giải pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng mô tô, xe gắn máy ngang nhiên đi vào cao tốc ”, ông Tuấn Anh nói.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Quý Long cho rằng, để triển khai hiện vẫn còn vướng nhiều quy định. Tuy nhiên, có thể rà soát để sửa đổi các quy định liên quan cho phù hợp. Hơn nữa, có thể tăng nặng mức phạt bằng cách phạt tiền ngang với giá trị phương tiện.

T.Anh - Đ.Thắng(theo báo giao thông)