TIN NỔI BẬT
Giảm tỷ lệ tàu biển bị lưu giữ bằng mọi cách

Dù tỷ lệ tàu biển VN bị lưu giữ năm 2013 thấp kỷ lục so với 10 năm qua (6,13%), Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn quyết liệt yêu cầu các cơ quan chức năng bằng mọi cách phải tiếp tục giảm 50% tỷ lệ này trong năm 2014. 

 
 Việc nhiều chủ tàu chưa quan tâm đến công tác quản lý an toàn khiến tỷ lệ tàu biển bị lưu giữ còn cao

100% tàu bị lưu giữ đều tại Trung Quốc

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, tính đến hết ngày 26/3/2014, tại khu vực Tokyo-MOU (Châu Á - Thái Bình Dương), có 8 lượt tàu Việt Nam bị lưu giữ trên tổng số 164 lượt tàu bị kiểm tra nhà nước cảng biển (PSC), tương đương 4,88%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (5,29%). 
 
"Thời gian tới, Bộ Ngoại giao VN sẽ cung cấp số điện thoại đường dây nóng của Cục Lãnh sự cho chủ tàu và khuyến nghị các chủ tàu liên hệ với Đại sứ quán VN tại các nước để hỗ trợ giải quyết qua đường ngoại giao”.
 
Ông Nguyễn Đình Ngọc
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao

Trước đó, trong năm 2013, cũng tại khu vực này, đã có 46 tàu biển VN bị lưu giữ qua kiểm tra PSC trên tổng số 767 lượt kiểm tra (tương đương 6,13%). Đây cũng là mức lưu giữ thấp kỷ lục của VN trong nhiều năm qua. Tại khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ tàu bị lưu giữ của nước ta cũng thấp hơn nhiều so với: Indonesia, Thái Lan và Philippines. 

Một điều đáng lưu ý là cả 8 lượt tàu Việt Nam bị lưu giữ trong quý I/2014 đều do chính quyền cảng Trung Quốc thực hiện, trong đó 6 tàu bị lưu giữ tại các cảng thuộc các địa phương của nước bạn liền kề nước ta (Quảng Đông, Quảng Tây, Thâm Quyến và Hải Nam). Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam có 1 tàu bị lưu giữ bởi Paris-MOU (Tây Ban Nha) và 1 tàu bị lưu giữ bởi Indian Ocean-MOU (Ấn Độ). 

Theo phân tích của Cục Hàng hải VN, trong những lỗi dẫn đến tàu bị giữ có tới 82% do liên quan đến trang thiết bị của tàu, 11% do vận hành của thuyền viên, gần 6% do khiếm khuyết về giấy tờ và tài liệu tàu. Khiếm khuyết kỹ thuật chiếm tỷ lệ lớn nhưng đáng quan tâm là có tới 22/46 tàu bị lưu giữ năm 2013 là được đăng kiểm trong nước chỉ một tháng trước khi bị lưu giữ tại nước ngoài; 4/8 tàu bị lưu giữ quý I/2014 cũng mới được đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêu chuẩn an toàn. 
 
Kiểm tra đặc biệt tàu đi Trung Quốc

Theo ông Nguyễn Vũ Hải- Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, lý do tỷ lệ tàu biển bị lưu giữ vẫn chưa giảm như mong muốn một phần bởi chính chủ tàu, thuyền trưởng chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát của chính quyền các cảng. Họ thường cho rằng có nhiều khiếm khuyết nhỏ, bình thường, mà không nghĩ rằng, nhiều khiếm khuyết nhỏ cũng đủ khiến tàu bị lưu giữ. 

Còn ông Nguyễn Hoàng- Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN khẳng định, trước hết phải thừa nhận nguyên nhân chính tàu bị lưu giữ là do lỗi chủ quan của thuyền viên, phương tiện, cũng như còn những thiếu sót trong việc giám sát, kiểm tra, chứ không nên chỉ chăm chăm đổ lỗi cho bên ngoài. 

Nói về tỷ lệ tàu biển bị lưu giữ tại Trung Quốc, ông Trần Văn Tề- Chủ tịch Hiệp hội vận tải biển An Lư cho biết: “Một số cảng tại Trung Quốc như: Trạm Giang, Hải Khẩu… nổi tiếng kiểm tra khắt khe với tàu biển VN. Có khi họ tìm đủ mọi cách “vạch lá tìm sâu”. Mỗi lần như thế chủ tàu lại phải mua đồ tại khu vực đó để thay thế với giá rất đắt đỏ”. Đại diện  Công ty TNHH thương mại vận tải Hải Phòng cũng cho rằng, chính quyền một số cảng biển Trung Quốc có cái nhìn thiếu thiện cảm với đội tàu VN, làm việc theo cảm quan, cảm nhận.

Đại diện Cục Hàng hải VN cũng khẳng định, sẽ “ưu tiên” kiểm tra các đơn vị có tàu bị lưu giữ để truy rõ nguyên nhân. Cùng đó, Cục này cũng sẽ cử đại diện sang Trung Quốc để làm rõ tại sao tỷ lệ tàu VN lưu giữ tại đây quá nhiều?
 

Hồng Xiêm