TIN NỔI BẬT
Xã hội hóa công tác đăng kiểm: Địa phương không "mặn mà"

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 12/110 trung tâm đăng kiểm thực hiện xã hội hóa, nhưng hoạt động tại các trung tâm này đều bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập.

Theo ông Nguyễn Hương, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới thành phố, việc xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới là một chủ trương đúng đắn, huy động được nhiều nguồn lực, góp phần tránh tình trạng độc quyền trên lĩnh vực này. Thế nhưng, vấn đề là cần có lộ trình nhất định và phải được thực hiện hết sức cẩn thận, bởi vì đây là hoạt động gắn liền với sự an toàn giao thông và tính mạng con người. Nếu như các doanh nghiệp “nắm” các trung tâm đăng kiểm mà chỉ lo chạy theo lợi nhuận thì hiểm họa khôn lường.

Xuất phát từ quan điểm này, thành phố Đà Nẵng vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, tức là đơn vị sự nghiệp công lập có thu. Bắt đầu từ năm 2005, khi Bộ GTVT phê duyệt Đề án “Xã hội hóa công tác đăng kiểm ô-tô đang lưu hành” thì Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng (Trung tâm) cũng bước sang giai đoạn hoạt động mới, tức là tự chủ hoàn toàn về tài chính. Đây là một áp lực rất lớn cho đơn vị khi tự lo chuyện “cơm áo”, nhưng lại bảo đảm tiêu chí là phục vụ chứ không chạy theo lợi nhuận.

Rời “chiếc áo bao cấp”, Trung tâm đã mạnh dạn vay vốn đầu tư dây chuyền công nghệ mới, nhà xưởng và đặc biệt là nâng cao thái độ phục vụ. Đến nay, ngoài cơ sở 1 tại số 25 đường Hoàng Văn Thái với 2 dây chuyền kiểm định, Trung tâm đưa thêm cơ sở 2, đặt tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, cũng với 2 dây chuyền kiểm định. Liên tục từ năm 2005 đến nay, số lượng phương tiện đăng kiểm tại Trung tâm tăng với mức trung bình 10%/năm. Đặc biệt, 10 năm qua, Trung tâm đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 30 tỷ đồng. Các chủ phương tiện khi kiểm định phương tiện đều hài lòng với việc rút ngắn thời gian chờ đợi.

Nếu như trước đây mỗi lần kiểm định là nỗi ám ảnh vì chờ cả ngày, thì nay với hình thức đăng ký thời gian đăng kiểm qua số điện thoại (cơ sở 1: 0511.3765017 và cơ sở 2: 0511.3685988), hoặc qua trang web của trung tâm (địa chỉ www.dangkiemdanang.com.vn), nên thời gian vừa chờ đợi vừa kiểm định chỉ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Mặc dù rất thuận lợi như vậy, nhưng không chạy theo lợi nhuận nên Trung tâm siết chặt chất lượng kiểm định, không để lọt xe kém chất lượng, không bảo đảm an toàn kỹ thuật lưu thông.

Theo các chuyên gia, nếu muốn xây dựng một trung tâm đăng kiểm đúng tiêu chuẩn thì ngoài việc bảo đảm có dây chuyền kiểm định đạt tiêu chuẩn, tổng diện tích đất ít nhất 5.000m2, trên 1.000m2 nhà xưởng... Đây là những khoản đầu tư không nhỏ, vì vậy, nếu không quản lý chặt chẽ thì các trung tâm này sẽ buông lỏng chất lượng để chạy theo lợi nhuận mong nhanh thu hồi vốn đầu tư, và đó chính là kẻ hở “chết người”.

Khó khăn nhất mà các doanh nghiệp không muốn tham gia vào lĩnh vực này chính là nguồn nhân lực phải bảo đảm yêu cầu đăng kiểm viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành cơ khí phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bồi dưỡng chuyên sâu thêm khoảng 1,5 năm nữa và qua hàng chục lần sát hạch của Cục Đăng kiểm. Riêng đối với các bộ phận trưởng dây chuyền thì cần có thêm 3 năm kinh nghiệm mới bảo đảm yêu cầu. Đây là một trong những điều kiện khó đạt nhất ở các trung tâm đã được xã hội hóa.

Cuối năm 2012, khi Bộ GTVT ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường”, Bộ cũng đã đánh giá về xã hội hóa công tác đăng kiểm không mấy lạc quan: “...Trong công tác kiểm định, vì mục đích lợi nhuận, các doanh nghiệp thường sử dụng các biện pháp không lành mạnh như hạ thấp tiêu chuẩn, không thực hiện đúng, đủ quy trình kiểm định, bỏ bớt hạng mục, nội dung kiểm định và kiểm tra nhanh để hút khách hàng...”. Rõ ràng, với quá nhiều tồn tại và bất cập chưa được khắc phục như vậy, việc các địa phương không mặn mà với việc xã hội hóa công tác kiểm định xe cơ giới là điều dễ hiểu.

Theo báo Đà Năng (Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN)