TIN NỔI BẬT
Xã hội hóa đăng kiểm xe cơ giới

Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) Ngô Hồng Hệ cho biết: "Đến trung tuần tháng 5-2015, Cục ĐKVN đã đình chỉ 18 trường hợp đăng kiểm viên vi phạm về kiểm tra, đánh giá sai quy trình công tác kiểm định. Đình chỉ hoạt động một trung tâm đăng kiểm xã hội hóa và một dây chuyền kiểm định ở tỉnh Đồng Nai do thiếu đăng kiểm viên. Tìm hiểu hoạt động đăng kiểm ở một số địa phương, chúng tôi được biết: Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 8802D ở tỉnh Vĩnh Phúc hồi đầu năm 2015, một số đăng kiểm viên như Nguyễn Quang Trường, Phạm Anh Sơn, Đỗ Hải Nam của trung tâm, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra các xe ô-tô mang biển kiểm soát 88C-00307, 88K-2563, 29C-32806, cũng bỏ qua một số công đoạn kiểm định theo quy định để Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 8802D cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định đạt tiêu chuẩn lưu hành. Hành vi của ba đăng kiểm viên nêu trên vi phạm Thông tư số 42/2012/TT- BGTVT, ngày 16-10-2012, của Bộ trưởng Giao thông vận tải, quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đăng kiểm. Cục ĐKVN đã kiên quyết đình chỉ chức danh đối với ba đăng kiểm viên nói trên và đình chỉ chức danh một tháng đối với ông Trần Việt Hoài, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 8802D.

Trước đó, năm 2014, Cục ĐKVN đình chỉ 68 trường hợp đăng kiểm viên vi phạm công tác kiểm định; đình chỉ có thời hạn ba trung tâm đăng kiểm, trong đó có hai trung tâm đăng kiểm xã hội hóa, một trung tâm đăng kiểm thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bình Thuận. Điều đó, khẳng định những thông tin bạn đọc phản ánh tới Báo Nhân Dân về sai phạm của một số đăng kiểm viên, sai phạm ở một số trung tâm kiểm định xe cơ giới, trong đó có các trung tâm xã hội hóa là có thật, cần tiếp tục chấn chỉnh.

Trong nhiều năm qua, Cục ĐKVN đã đẩy mạnh thực hiện "Đề án xã hội hóa các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành". Theo đề án đó, Cục ĐKVN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới xã hội hóa theo quy hoạch. Mô hình xã hội hóa đầu tiên bắt đầu từ năm 2005 đến 2008, có chín trung tâm hoạt động theo phương châm: Doanh nghiệp đầu tư vốn xây dựng cơ sở vật chất, tự quản lý cán bộ, đăng kiểm viên và tổ chức hoạt động kiểm định xe cơ giới. Theo đánh giá của Cục ĐKVN thì mô hình xã hội hóa này có khá nhiều nhược điểm, đó là: "Do đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, cho nên nhiều doanh nghiệp chỉ thành lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại khu vực đô thị lớn, nơi có nhiều phương tiện hoạt động mới thu được nhiều lợi nhuận.

Một số trung tâm khác, thì cạnh tranh không lành mạnh. Họ tự ý hạ thấp tiêu chuẩn, không thực hiện đúng, đủ quy trình, nội dung kiểm tra. Có trung tâm lại thiếu đăng kiểm viên mặc dù lúc xin phép thành lập ghi đủ số lượng. Có trung tâm thì ngay cả lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên đều được chủ đầu tư bố trí làm việc theo hợp đồng, dẫn đến tình trạng hoạt động kiểm định phải làm theo ý chỉ đạo của chủ đầu tư, cho nên chất lượng kiểm định chưa đúng quy định. Hoặc có trung tâm làm ăn không hiệu quả, thế là lập tức chủ đầu tư dừng hoạt động, mặc kệ cho người lao động mất việc làm, gây rất nhiều khó khăn cho chủ phương tiện, cơ quan chức năng tìm lại hồ sơ, theo dõi hồ sơ phương tiện, như trường hợp trung tâm 50-10D, trung tâm 50-08 D ở TP Hồ Chí Minh đã dừng hoạt động.

Từ năm 2009 đến nay, rút kinh nghiệm những ưu điểm, nhược điểm của giai đoạn đầu thực hiện xã hội hóa hoạt động đăng kiểm và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Cục ĐKVN đã hướng lộ trình xã hội hóa hoạt động đăng kiểm theo mô hình mới hơn, đó là: Các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở vật chất, còn cán bộ, đăng kiểm viên thì do các sở GTVT địa phương đảm nhận bố trí hoặc do Cục ĐKVN bố trí trong trường hợp Sở GTVT không đảm nhận quản lý thực hiện công tác kiểm định, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Hiện tại có 33 trung tâm đăng kiểm xã hội hóa được thành lập và tổ chức hoạt động. 15 trung tâm khác đang xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2015.

Điều đáng ghi nhận của mô hình mới này là việc sử dụng cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan Nhà nước thực hiện tổ chức kiểm định xe cơ giới ở các trung tâm xã hội hóa đã giảm hẳn phiền hà, hạn chế được tác động của chủ doanh nghiệp đến công tác kiểm định. Các trung tâm đăng kiểm do doanh nghiệp đầu tư khang trang, vị trí thuận lợi; thiết bị kiểm định, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ đăng kiểm viên được bổ nhiệm theo quy trình, đúng tiêu chuẩn, có ràng buộc với công tác quản lý, xử lý kỷ luật khi vi phạm. Chất lượng đăng kiểm bảo đảm khách quan và nâng lên rõ nét, chi phí ngân sách Nhà nước đầu tư cho hoạt động đăng kiểm giảm đáng kể. Hiện nay, cả nước có 94 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt động. Ngoài các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa nêu trên còn có hàng chục trung tâm đăng kiểm trực thuộc Sở GTVT các tỉnh, thành phố quản lý và bốn trung tâm do Cục ĐKVN quản lý hoạt động theo mô hình dịch vụ công ích. Năm tháng đầu năm 2015, các trung tâm đăng kiểm đã kiểm định gần 1,9 triệu lượt xe cơ giới. Riêng năm 2014, kiểm định được 2.449.916 lượt xe. Qua hoạt động đăng kiểm đã loại bỏ 109.402 xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, có nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Mục tiêu của việc đăng kiểm xe cơ giới là phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện tham gia giao thông, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích cộng đồng, mà không gây nguy cơ mất an toàn giao thông, không ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, xã hội. Do vậy, muốn hạn chế những tiêu cực trong việc xã hội hóa hoạt động đăng kiểm xe cơ giới, trước hết ngành chức năng phải yêu cầu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải đặt mục tiêu bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lên trên mục tiêu lợi nhuận. Có như vậy mới bảo đảm tính khách quan, chính xác của kết quả kiểm định xe cơ giới.

Việc thực hiện xã hội hóa hoạt động đăng kiểm cũng rất cần các địa phương cùng đồng hành với doanh nghiệp, trên cơ sở tạo cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp thuê đất, miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, kết hợp hài hòa lợi ích giữa các bên. Bộ GTVT cần có những quy định pháp lý chặt chẽ hơn để giúp cơ quan chức năng, địa phương quản lý, xử lý nghiêm đối với các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa sai phạm, cũng như quản lý tổ chức hoạt động của đăng kiểm viên phù hợp với trình độ khoa học, công nghệ mới. Mặt khác, Cục ĐKVN cần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất các trung tâm đăng kiểm, mới mong hạn chế tiêu cực trong lĩnh vực này.

"Cục ĐKVN đang tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đăng kiểm xe cơ giới theo Quyết định số 3771 của Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch tổng thể các trung tâm đăng kiểm và dây chuyền kiểm định xe cơ giới đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đối với địa phương chưa có nhà đầu tư vào lĩnh vực này, trước mắt cần duy trì các trung tâm đăng kiểm thuộc Sở GTVT để phục vụ tốt nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp".

NGUYỄN HỮU TRÍ Phó Cục trưởng Cục ĐKVN

"Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, cần kiểm tra mức độ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện xe cơ giới, nhất là xe mới kiểm định, sẽ góp phần quản lý chặt việc kiểm định xe cơ giới".

NGUYỄN VĂN NAM (Phường Vân Giang, Ninh Bình)

theo MINH PHÚC (báo nhân dân)