TIN NỔI BẬT
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam

Sáng ngày 29/6/2016, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cùng dự có Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch chuyên trách UB ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, lãnh đạo các Vụ, Văn phòng Bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin, các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành của Bộ GTVT...









Ảnh: Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam

Thay mặt lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Trần Kỳ Hình đã báo cáo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chức năng, nhiệm vụ của Cục cũng như tình hình thực hiện công tác tham mưu quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển, đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, container, nồi hơi và bình chịu áp lực sử dụng trong phương tiện, thiết bị giao thông vận tải. Theo đó, trong các năm qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chú trọng công tác xây dựng văn bản QPPL và coi đây là công tác quan trọng nhất trong công tác quản lý nhà nước. Cục đã tham gia xây dựng, sửa đổi nhiều luật chuyên ngành, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng để ban hành nhiều nghị định và thông tư. Từ năm 2007 đến nay, Cục đã xây dựng 115 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) và 40 bộ tiêu chuẩn kỹ thuật (TCVN), trong đó giai đoạn từ năm 2011 đến 2015 đã xây dựng 81 QCVN và 26TCVN.









Ảnh: Cục trưởng Trần Kỳ Hình báo cáo hoạt động của Cục thời gian qua

Trong những năm qua, Cục cũng đã tổ chức được hệ thống mạng lưới đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa, tàu biển, đường sắt, phương tiện cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện và đáp ứng nhu cầu của xã hội, của người dân. Hiện có 66 đơn vị đăng kiểm PTTNĐ, 107 đơn vị với 133 địa điểm đăng kiểm xe cơ giới, với 274 dây chuyền cơ giới hóa đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố. Song song với đó, Cục đã chú trọng việc đào tạo và xây dựng được đội ngũ cán bộ đăng kiểm, bao gồm các lãnh đạo, công nhân viên chức, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ các lĩnh vực đủ về số lượng, thỏa mãn tiêu chuẩn, quy định của Bộ GTVT, đảm bảo chất lượng, có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu công tác đăng kiểm trên toàn quốc. Nhiều đăng kiểm viên xe cơ giới, đăng kiểm viên tàu biển, công trình biển có trình độ được các tổ chức đăng kiểm quốc tế công nhận và ủy quyền thực hiện kiểm định các phương tiện, thiết bị của các tổ chức này. Bên cạnh đó, thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm đã tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật chuyên môn cao cho cả hệ thống; ứng dụng công nghệ, thiết bị mới vào xây dựng các cơ sở kiểm tra, thử nghiệm; hiện đại hóa trang thiết bị, quy trình và dây chuyền kiểm định; xây dựng được hệ thống các đơn vị đăng kiểm có cơ sở vật chất ngày một khang trang, dây chuyền kiểm định, trang thiết bị đầy đủ và hiện đại, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, công tác đăng kiểm cũng đã tạo hàng rào kỹ thuật ngăn các phương tiện, thiết bị không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhập khẩu, sản xuất lắp ráp đưa vào lưu thông, loại bỏ phương tiện hết niên hạn sử dụng. Chất lượng phương tiện, thiết bị đã được nâng cao, các loại phương tiện đã được cải thiện rõ rệt về chất lượng và cả hình thức, không có phương tiện bị tai nạn giao thông liên quan đến lỗi đăng kiểm kỹ thuật, tỷ lệ tàu lưu giữ giảm nhiều.









Ảnh: Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao sự nỗ lực của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Báo cáo với lãnh đạo Bộ về thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng còn lại của năm 2016, Cục trưởng Trần Kỳ Hình cho biết, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành hoạt động đăng kiểm quyết liệt đổi mới, cải cách, chống tiêu cực theo Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 12/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách để nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải; Chỉ thị số 06/CT-BGTVT ngày 09/6/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và Văn bản số 6554/BGTVT-ATGT ngày 09/6/2016 về việc rà soát các điều kiện an toàn kỹ thuật và phòng chống cháy đối với xe khách; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về an toàn của phương tiện vận tải hành khách bằng ô tô, đặc biệt là xe khách giường nằm; tổng hợp, đề xuất báo cáo Bộ GTVT về quản lý kỹ thuật đối với phương tiện vận tải hành khách; Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đăng kiểm; Duy trì tốt công tác đăng kiểm tàu biển, công trình biển, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, phương tiện đường sắt và các phương tiện xe cơ giới đường bộ; Tiếp tục và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc; Phối kết hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra liên ngành, chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại các địa phương chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương để kiểm tra liên ngành tại địa phương.

Đánh giá cao công tác quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Vụ, Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành đều cho rằng thời gia qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao đặc biệt là trong công tác hoàn thiện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tham mưu với Bộ và cơ quan cấp trên sửa đổi các quy định phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tế. Các đại biểu cũng đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam cần phối hợp tốt hơn nữa với các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện để cùng nhau thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của mỗi đơn vị.









Ảnh: Phó Chủ tịch chuyên trách UB ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đánh giá cao những đóng góp của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong việc bảo đảm trật tự ATGT

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng với nỗ lực và quyết tâm cao của lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Cục Đăng kiểm Việt Nam trong thời gian qua, công tác đăng kiểm đã từng bước được siết chặt góp phần quan trọng trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Đội ngũ đăng kiểm viên của Cục có trình độ chuyên môn sâu, thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao năng lực. Mặc dù vậy Thứ trưởng cũng đề nghị Cục cần tiếp tục làm tốt công tác phòng chống tiêu cực trong các hoạt động đăng kiểm. Cục cũng cần chủ động nghiên cứu năm bắt các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, các phương tiện giao thông mới, dự báo xu hướng có thể du nhập vào Việt Nam để tham mưu cho Bộ các giải pháp, chính sách trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện giải bản các các phương tiện hết niên hạn, quá niên hạn sử dụng.









Ảnh: Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao vai trò của Cục Đăng kiểm Việt Nam đối với đời sống xã hội. Bộ trưởng cho rằng hoạt động đăng kiểm lỏng lẻo hoặc chặt chẽ đều có thể trở thành rào cản hoặc động lực của phát triển của xã hội. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Cục cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, thường xuyên nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đăng kiểm viên cũng như phòng chống tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm vì hệ lụy của một phương tiện không đảm bảo an toàn lọt qua cửa đăng kiểm là rất lớn. Bên cạnh đó, Cục cũng cần lưu ý đến khía cạnh quản lý nhà nước đối với các đơn vị đăng kiểm đã được xã hội hóa, cổ phần hóa. Để thúc đẩy, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ mới, Cục cần chủ động quan tâm ủng hộ các đơn vị doanh nghiệp trong áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong chế tạo các thiết bị, phương tiện giao thông góp phần vào sự phát triển của xã hội. Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp với các Tổng cục, Cục chuyên ngành trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao.

THEO T.N, VR