TIN NỔI BẬT
Điểm mới trong việc quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị sự nghi

(3/4/2016)



  Ngày 06/01/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 hướng dẫn một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại ĐVSNCL. Theo đó, việc quản lý, sử dụng TSNN tại ĐVNCL so với các văn bản quy định trước đây có một số điểm mới; cụ thể:

Thứ nhất: Về điều kiện ĐVSNCL được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp

- Theo quy định trước đây thì các ĐVSNCL đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp chỉ có: (i) ĐVSNCL tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên từ nguồn thu sự nghiệp; (ii) ĐVSNCL khác phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: (i) Tự bảo đảm trên 10% kinh phí hoạt động thường xuyên; (ii) Có đề án sử dụng tài sản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, được Bộ, cơ quan trung ương (đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương quản lý) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương quản lý) phê duyệt; (iii) Cam kết thực hiện đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản đối với đơn vị tự chủ tài chính quy định của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính; (iv) Trường hợp được Nhà nước cho phép hoặc yêu cầu tính đủ chi phí, bao gồm cả khấu hao tài sản cố định vào giá thành sản phẩm dịch vụ, hàng hoá thì đơn vị phải đảm bảo tự bù đắp đủ các chi phí; (v) Nhà nước không tăng thêm kinh phí, trừ các trường hợp nhà nước giao thêm nhiệm vụ hoặc bổ sung một phần cho tiền lương tăng thêm theo chế độ của Nhà nước.

Theo quy định tại Nghị định số 04/2016/NĐ-CP, Chính phủ đã cho phép:

(i) Tất cả các đơn vị SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên đều đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp mà không cần thêm các điều kiện như quy định trước đây.

(ii) Việc xác định loại hình đơn vị sự nghiệp công căn cứ quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL và phương án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt áp dụng tại thời điểm có văn bản xác nhận đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, trường hợp tài sản của ĐVSNCL do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên có khả năng sử dụng vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết, đơn vị này cũng có thể được cơ quan có thẩm quyền xác định giá trị TSNN để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.

Thứ hai: Về nguyên tắc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp .

Quy định trước đây khi xác định giá trị tài sản để giao vốn là quyền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo giá đất do UBND cấp tỉnh quy định; trường hợp giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm tính giá đất vào giá trị tài sản đơn vị chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì phải xác định lại cho phù hợp. Nay theo Quy định tại Nghị định số 04/2016/NĐ-CP thì giá trị quyền sử dụng đất được xác định căn cứ vào Bảng giá đất của địa phương và hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá trị; giá trị tài sản khác được xác định căn cứ vào giá trị còn lại của tài sản trên sổ kế toán. Trường hợp tài sản chưa được theo dõi trên sổ sách kế toán hoặc đã tính hao mòn đủ nhưng vẫn còn sử dụng được thì thành lập Hội đồng xác định lại giá trị tài sản.

  Thứ ba: Về quy trình giao tài sản nhà nước cho ĐVSNCL tự chủ tài chính được thực hiện theo 05 bước và có quy định cụ thể thời hạn thực hiện đối với tất cả các bước công việc:

  Bước 1: Công nhận đơn vị SNCL đủ điều kiện được nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp (chậm nhất đến ngày 20/5/2016 các Bộ, cơ quan TW, UBND cấp tỉnh phải hoàn thành việc rà soát toàn bộ các ĐVSNCL hiện có thuộc phạm vi quản lý);

  Bước 2: Kiểm kê, phân loại tài sản

  Bước 3: Xác định giá trị tài sản

  (Bước 2 và Bước 3 thực hiện trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có Văn bản xác nhận của cấp có thẩm quyền tại Bước 1).   

  Bước 4: Quyết định giao tài sản (trong thời hạn 15 ngày kể từ nhận được đầy đủ hồ sơ của đơn vị).

  Bước 5: Tổ chức giao tài sản (trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có Quyết định giao tại Bước 4).

Thứ tư: Về quy định về khấu hao tài sản cố định tại ĐVSNCL tự chủ tài chính

Theo quy định tại Nghị định số 52/2009/NĐ-CP, toàn bộ tài sản cố định tại ĐVSNCL tự chủ tài chính được trích khấu hao theo chế độ áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, tại Nghị định số 04/2016/NĐ-CP quy định ĐVSNCL tự chủ tài chính có quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp hoặc thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình quy định tại Điều 10 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 /02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý, sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định theo quy định.

Đối với ĐVNCL tự chủ tài chính còn lại phải trích khấu hao đối với tài sản cố định sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.

Thứ năm: Việc kê khai, báo cáo và đăng nhập thông tin về tài sản nhà nước sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN được quy định cụ thể tại Điều 18 Thông tư số 23/2016/TT-BTC.

Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính