TIN NỔI BẬT
Nộp phí bảo trì đường bộ

“Cần có đánh giá cụ thể đã dùng Quỹ Bảo trì đường bộ sửa bao nhiêu km đường, hiệu quả ra sao. Phải chú ý chống thất thoát, lãng phí. Sử dụng một đồng cũng phải công khai, minh bạch”- Đó là yêu cầu của Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Đinh La Thăng đặt ra với các cơ quan liên quan tại cuộc họp về kế hoạch sử dụng Quỹ diễn ra hôm qua (5/11).



Mỗi năm cần hàng nghìn tỷ đồng để bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ các tuyến đường

Chưa xử phạt, dân không chịu nộp phí

Theo ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB), việc thu phí đối với xe ô tô tính đến thời điểm 30/10 được hơn 3.903 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch. Việc thu phí đối với xe ô tô của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã hoàn thành từ tháng 7/2014. Tuy nhiên, kế hoạch thu cả năm có khả năng sẽ không đạt do có những thay đổi về chính sách.

Đối với nguồn ngân sách cấp bù năm 2014, đến thời điểm này Bộ Tài chính đã cấp 1.800 tỷ đồng so với kế hoạch cả năm là gần 2.500 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã được chuyển về các đơn vị được giao nhiệm vụ bảo trì quốc lộ.
"Thông qua Quỹ BTĐB, nhận thức của cả các cơ quan T.Ư, địa phương và các cơ quan liên quan về công tác bảo trì đường bộ đã rõ hơn, minh bạch hơn. Chúng ta cũng đã đáp ứng được các tiêu chí của một Quỹ để bảo đảm công tác BTĐB và đã được người dân ghi nhận. Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN cũng đã có những điều chỉnh về quản lý. Giờ Tổng cục ĐBVN chỉ làm công tác quản lý Nhà nước chứ không trực tiếp sản xuất kinh doanh như trước nữa. Quỹ đã tạo được nguồn vốn cho công tác BTĐB. Theo tôi, việc phân bổ kinh phí BTĐB giữa các địa phương không căn cứ vào đường nhiều hay ít của các tỉnh mà cần có mức sàn và trần để bảo đảm sự công bằng. Từ đó có thể đưa ra mức phân bổ số lượng kinh phí theo nhóm, mức thấp nhất có thể là không dưới 15 tỷ…”.
Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Hồng Trường

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết: “Tổng số thu 10 tháng là 3.900 tỷ, đạt 84% so với kế hoạch 4.600 tỷ, đảm bảo hoàn thành kế hoạch cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, hai tháng cuối năm do việc mở rộng đối tượng không chịu phí như: Xe buýt, xe dừng lưu hành, sửa chữa, xe bị tạm giữ 30 tháng, xe tai nạn… nên có thể sẽ ảnh hưởng đến tổng thu so với kế hoạch”.

Theo Văn phòng Quỹ BTĐB, hiện nay chỉ tiêu thu phí đối với mô tô - xe máy đang gặp khó khăn. Số phí thu được còn thấp, chỉ đạt khoảng 30 - 50%.

Theo báo cáo từ các quỹ BTĐB địa phương, đến hết quý III/2014, đã có 62/63 địa phương trong cả nước ban hành mức thu phí xe máy. Địa phương duy nhất chưa thực hiện là TP Hồ Chí Minh.

Sở dĩ mức thu xe máy còn thấp là do các Quỹ BTĐB địa phương còn thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch dẫn đến kế hoạch quá cao và không khả thi. Các cấp chính quyền địa phương cũng chưa thật sự quyết liệt. Bên cạnh đó, kinh phí chi cho hoạt động thu còn thấp, không đáp ứng và khuyến khích được người đi thu. Đặc biệt, việc thiếu các biện pháp chế tài xử phạt là nguyên nhân chính khiến cho người dân trì hoãn việc đóng phí.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, cần phải làm rõ nguyên nhân giảm thu, tác động của việc thay đổi chính sách thế nào để trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thu chi chính xác. Cần giải trình nguyên nhân giảm thu phí để báo cáo Bộ Tài chính có hỗ trợ, bù vào phần bị hụt. Tuy nhiên cũng cần rà soát xem có bỏ sót đối tượng thu, có hay không tình trạng tem phí đường bộ giả? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hữu Trí thừa nhận đang tồn tại loại tem phí đường bộ giả.

Về việc thu phí đối với mô tô – xe máy, Bộ trưởng yêu cầu cần có đề xuất chế tài xử phạt đối với chủ xe không chịu nộp phí. Nhất quyết không để tình trạng người nộp cũng như người không nộp, gây tâm lý so bì, đứng núi này trông núi nọ, không đóng phí trong thời gian tới. Cần phải làm rõ ai sẽ chịu trách nhiệm xử phạt đối với chủ xe không nộp phí.

Đảm bảo minh bạch, tránh thất thoát

Về việc sử dụng Quỹ BTĐB, theo ông Lê Hoàng Minh, tổng giá trị thực hiện 9 tháng đầu năm là hơn 3.917 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, Quỹ đã chi 722.935 tỷ đồng bảo dưỡng thường xuyên 120 tuyến quốc lộ (có tổng chiều dài 19.520 km). Đối với sửa chữa định kỳ, các công trình chuyển tiếp từ năm 2013 sang năm 2014 đã hoàn thành 85% kế hoạch. Đối với công trình làm mới, căn cứ kế hoạch chi của Hội đồng Quỹ T.Ư (492 công trình/2.101 tỷ đồng), Tổng cục Đường bộ VN đã hoàn thành công tác phê duyệt toàn bộ các dự án. Đến hết 30/9, Quỹ cũng đã hoàn thành việc chuyển nguồn chi 35% từ Quỹ BTĐT T.Ư chuyển về Quỹ địa phương.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cũng cho biết: “Để kiểm soát nguồn chi cho công tác bảo trì, Tổng cục đã phân quyền cho các Cục Quản lý đường bộ tiến hành thanh, kiểm tra, giám sát các Sở GTVT. Việc thực hiện khép kín bằng hình thức đấu thầu công khai để đảm bảo sự minh bạch, tránh thất thoát”.

Chưa hoàn toàn bằng lòng với công tác bảo trì đường bộ, Bộ trưởng đặt câu hỏi vì sao có Quỹ BTĐB rồi mà một số tuyến đường vẫn còn bẩn đọng nước: “Có những tuyến đường rất bẩn, chưa mưa đã ngập. Chỉ mỗi việc làm cho thoát nước cũng không xong. Để như vậy thì mấy mà hỏng đường. Như thế thì ai chịu trách nhiệm. Nếu còn để xảy ra tình trạng như vậy cần cách chức ngay Cục trưởng Cục QLĐB…”.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu cần có những đánh giá cụ thể về việc sử dụng hiệu quả Quỹ BTĐB: “Cần rà soát xem các qui định về sử dụng Quỹ còn gì sơ hở? Cần kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng thông đồng với nhau trong việc sử dụng Quỹ…”.

Trên cơ sở kết luận các ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng yêu cầu cần khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác BTĐB. Đặc biệt cần lập đoàn kiểm tra đối với các địa phương xem tiền được sử dụng như thế nào. Bên cạnh đó, phải có đánh giá hiệu quả của việc ra đời Quỹ. Ngoài việc có thêm kinh phí để bảo trì thì việc tổ chức, thực hiện có gì tốt hơn. Phải làm rõ số liệu hàng năm bảo trì bao nhiêu tỉnh lộ, quốc lộ, xử lý được bao nhiêu điểm đen, cầu yếu...

Tiến Mạnh (báo GTVT)